Đức là quốc gia được sinh viên lựa chọn làm điểm đến du học đông nhất, chỉ đứng sau Mỹ và Anh. Vì sao lại như thế? Đó là do du học Đức rẻ hơn so với các nước châu Âu khác mà bạn vẫn có cơ hội được trải nghiệm nền giáo dục chất lượng, hiện đại thuộc top đầu thế giới. Nếu bạn đang có ước mơ du học Đức nhưng lại lo lắng, e ngại không biết nên chuẩn bị những gì với quy trình thế nào thì hãy cùng theo dõi bài viết sau để nắm rõ những thông tin cần thiết.
3 bước chuẩn bị du học Đức
1. Tìm hiểu về chương trình du học Đức bạn muốn
Bước đầu tiên chính là bạn phải xác định rõ bản thân muốn học ngành nào, sau đó tra cứu thông tin về các chương trình du học Đức ngành mà bạn muốn. Cách tốt nhất, được nhiều sinh viên dùng nhất để tìm kiếm những thông tin chính xác là sử dụng website của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD).
Qua DAAD, bạn có thể nhanh chóng, tiện lợi tìm kiếm các chương trình Cử nhân, Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ vào bất cứ lúc nào bạn rảnh và ở bất kỳ nơi đâu. Bạn có thể sử dụng bộ lọc làm giảm kết quả, thu thập những thông tin quan trọng liên quan đến:
Thanh toán tại trường đại học Đức
Thời hạn
Chi phí xấp xỉ mỗi tháng (tùy theo vị trí)
Yêu cầu và thông tin chi tiết về chương trình mà bạn quan tâm.
Tìm thêm trong www.daad.de
Từ DAAD bạn sẽ được chuyển đến trang web của các trường đại học mà bạn quan tâm. Từ đây bạn sẽ phải sắp xếp mọi thứ cho mình.
2. Thủ tục xin visa du học Đức
Xin visa luôn là bước mà các bạn sinh viên lo lắng nhiều nhất khi chuẩn bị du học. Vì chỉ cần bước này không thành công, mọi sự chuẩn bị của bạn trước đó đành xem như bỏ hết. Để xin visa du học Đức, bạn cần phải có những giấy tờ sau:
– Đơn xin thị thực, Hộ chiếu, Ảnh cá nhân
– Giấy mời nhập học của trường Đại học/ Cao học
– Giấy chứng nhận trình độ tiếng Đức (tối thiểu B1) hoặc tiếng Anh
– Giấy đăng ký một khóa học tiếng Đức tại Đức và hoá đơn trả tiền (Nếu cần phải tham gia một khóa học tiếng Đức trước khi nhập học)
– Chứng minh tài chính: Hoặc Giấy bảo lãnh tài chính nếu bạn có thân nhân bên Đức. Hoặc Giấy tờ chứng minh đã mở một tài khoản 8.040 Euro tại Ngân hàng bên Đức
– Bảng tóm tắt quá trình học tập, công tác bắt đầu từ khi tốt nghiệp PTTH
3. Yêu cầu về thành tích học tập khi du học Đức
Đối với chương trình đào tạo cử nhân
Trước khi được nhập học ở một trường đại học tại Đức, sinh viên nào học ít hơn 4 học kỳ đại học ở Việt Nam phải học qua một khóa dự bị đại học Đức (Studienkolleg) thì mới đủ chuẩn được nhận vào đại học. Mỗi Studienkolleg đều do một trường đại học quản lý. Ở đây, bạn sẽ được học về tiếng Đức, toán, lý, hóa, kinh tế, lịch sử, tin học,… tùy theo khối ngành sau này bạn sẽ chọn. Sau khi hoàn thành Studienkolleg, bạn có thể dùng điểm tốt nghiệp Studienkolleg cùng điểm tốt nghiệp ở Việt Nam để xin xét tuyển vào trường đại học bạn muốn. Khóa dự bị kéo dài 1 kỳ (6 tháng) hoặc 2 kỳ (1 năm) và hoàn toàn miễn phí trên toàn nước Đức, bạn sẽ chỉ phải đóng thêm phí sinh viên. Việc học dự bị khối gì phụ thuộc vào ngành bạn đậu vào ở Việt Nam và ngành bạn dự định học tại Đức, do đó bạn cần lưu ý hai ngành này phải cùng khối ngành để đăng ký đại học cho đúng.
Khối T: nhóm ngành kỹ thuật, toán và khoa học tự nhiên (trừ sinh học).
Khối W: nhóm ngành kinh tế và khoa học xã hội.
Khối S: nhóm ngành ngôn ngữ (trừ Đức ngữ).
Khối M: nhóm ngành y dược và sinh học.
Khối G: nhóm ngành nhân văn học, xã hội học, mỹ thuật, nhạc và Đức ngữ.
Feststellungsprüfung là “kỳ thi đánh giá chất lượng” theo sau chương trình học đại học dự bị. Các du học sinh Đức cần vượt qua kỳ thi này trước khi được chính thức trở thành sinh viên của trường.
Đối với chương trình đào tạo sau đại học
Điều kiện đầu tiên để học bậc thạc sĩ ở Đức là bạn phải tốt nghiệp một trường đại học ở Việt Nam với số tín chỉ tối thiểu là 180-210 tùy theo yêu cầu khóa học. Lưu ý, Việt Nam và Đức có hai hệ tính tín chỉ khác nhau nên thường hồ sơ của bạn sẽ được trường Đức tự chuyển đổi số tín chỉ khi xét. Nhưng nếu có thể xin được giấy chuyển đổi tín chỉ tương ứng từ trường Đại học Việt Nam luôn sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, bạn phải có chứng chỉ APS du học Đức. APS là một bộ phận thuộc Phòng Văn hóa của Đại sứ quán Đức Hà Nội có nhiệm vụ thẩm tra liệu sinh viên xin du học có đáp ứng được các điều kiện cơ bản để nhập học đại học tại Đức, đồng thời thẩm tra tính hợp lệ và chất lượng của các chứng chỉ học tập. Đối với một số khóa học về ngành quản trị, bạn còn cần nộp bằng GMAT và trình bày kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Ngoài ra, đối với một số khóa học khác nhau sẽ có thêm những yêu cầu phụ khác nhau, vì vậy bạn cần theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin để chuẩn bị tốt cho việc xét tuyển.