Bên cạnh Giáng Sinh thì Phục Sinh là ngày lễ rất quan trọng ở nước Đức. Khác với ngày Giáng sinh được tổ chức cố định vào 25 tháng 12 hàng năm thì thời điểm ăn mừng ngày Lễ Phục Sinh không cố định hàng năm mà theo quyết định của nhà thờ dựa vào điểm xuân phân của năm đó. Vậy người Đức họ ăn mừng lễ Phục sinh ra sao? Hãy cùng Tân Thành khám phá nhé.
1. Đi lễ nhà thờ
Vì đây là một dịp lễ liên quan đến thiên chúa cho nên có nhiều gia đình đi lễ nhà thờ. Lễ ở nhà thờ thường sẽ rất vui vẻ, nhộn nhịp dưới không khí chào xuân, chưa kể sẽ được mọi người trang trí với rất nhiều hoa. Một số khu vực họ còn có bữa sáng hay bữa trưa cho mọi người liên hoan sau khi dự lễ nhà thờ.
Tuy nhiên không phải gia đình nào ở Đức cũng đi nhà thờ, giống như những ngày lễ cổ khác trên thế giới mọi người sẽ làm nó ngày một đơn giản đi nhưng có những điểm sau đây các gia đình ở Đức hay trong khu vực xung quanh thường làm.
2. Dọn dẹp và trang trí nhà cửa
Đầu tiên phải kể đến đây là thời điểm mọi người dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Thời điểm này nếu các bạn tới Đức sẽ thấy hoa và cây được bán rất rực rỡ trong siêu thị, những khu chợ trung tâm. Mọi người mua về trồng trang trí vườn nhà mình.
Người Đức rất thích trang trí nhà và vườn và một vật trang trí không thể thiếu trong gia đình người Đức lúc này là Osterbaum: Cây phục sinh. Đây có thể là một cây trồng trong vườn hoặc 1 bình hoa lớn được cắm những cành hoa hoặc cành cây khô để ngoài lối vào nhà nhưng đều có một điểm chung là được treo những quả trứng đầy màu sắc. Vật trang trí này mang đến nhiều màu sắc hơn cho những ngày xuân và mang không khí lễ hội tới với mỗi gia đình và khu dân cư.
Nếu bạn du lịch tới Đức vài tuần trước ngày Chủ Nhật phục sinh, có thể bạn sẽ thấy những Khu chợ Phục sinh. Giống như chợ giáng sinh, chợ phục sinh cũng bán những đồ trang trí theo chủ đề của ngày lễ này.
3. Đồ ăn trong ngày Lễ Phục Sinh
Sau phần trang trí nhà cửa sẽ là phần ăn uống, một phần không thể thiếu trong ngày lễ này là một bữa ăn thịnh soạn với gia đình và người thân. Có gia đình sẽ ăn vào bữa sáng, trưa hoặc tối, rồi ngồi nói chuyện, họp mặt gia đình.
Một số món đặt biệt hay có phải kể đến sau đây:
Đầu tiên là những món về trứng. Tôi có nghe kể là có truyền thống không được ăn trứng 1 tuần trước ngày lễ phục sinh nên ngày này mọi người sẽ ăn trứng lại, tặng nhau những quả trứng đã được sơn màu hay trang trí.
Cừu nướng
Thịt cừu hầm
Bánh quy có hình thù đáng yêu
Bánh gato có hình con thỏ hay cừu
Một món cuối cùng không thể thiếu trong ngày lễ này, đó là kẹo và socola. Đây được coi là dịp mà những thứ này được tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Khi ra siêu thị các bạn sẽ thấy cả một dãy dài những thỏ và trứng. Cả trẻ em và người lớn cùng ăn những món kẹo hay socola hình trứng hay thỏ này nên nếu bạn mua làm quà nên nhớ đọc kỹ, có nhiều loại socola có rượu sẽ không phù hợp mua cho các em bé đâu nhé!
4. Nhân vật mang may mắn
Có một truyền thuyết dành cho trẻ em trong ngày lễ này đó là những chú thỏ phục sinh sẽ mang những quả trứng đến nhưng không phải là đưa tận tay cho chúng ta mà giấu chúng đi. Truyền thuyết này cũng làm nên một hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ phục sinh đó là những cuộc thi tìm trứng vào ngày chủ nhật hoặc thứ 2 của lễ phục sinh.
Chú thỏ phục sinh này cũng có một số người bạn giúp chú mang những quả trứng tới cho mọi người, đó là Cáo, Gà trống và Cò, nhưng tuỳ ở mỗi vùng khác nhau trên nước Đức mà mọi người có một quan niệm khác nhau về con vật mang may mắn này.
5. Osterfeuer
Điểm tiếp theo trong ngày lễ phục sinh ở Đức đó là tiết mục đốt lửa… Thường là ở những vùng phía bắc nước Đức như nơi tôi ở, mọi người sẽ đốt lửa vào đêm thứ 7 trước ngày chủ nhật phục sinh. Tuy nhiên hình ảnh đống lửa này không phải chỉ là một cách để xử lý đống củi còn lại sau mùa đông lạnh giá ở phương Bắc đâu, mà người Đức còn có niềm tin là ngọn lửa cao là điều may mắn, ánh sáng của lửa hứa hẹn bảo vệ ta khỏi bệnh tật và những điều xui xẻo nữa. Chính vì thế họ đốt và giữ đống lửa này tới rạng sáng ngày hôm sau.