Lần đầu tiên kể từ năm 2002, tỷ giá đồng euro và USD trở nên ngang hàng, thậm chí trong phiên giao dich chiều ngày 13/07 đã có lúc tỷ giá chạm ngưỡng 0,9998 USD= 1 EUR (theo báo Kinh tế và Đô thị) Những nhân tố nào đã đẩy đồng euro xuống mức giá này và những điều gì sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai gần, cùng cập nhật thông tin này ngay với DWN Việt Nam nhé!
Nguyên nhân đồng euro mất giá
Do hệ quả từ cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine trong suốt thời gian qua, Châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua, cụ thể là mức chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao chưa từng thấy cũng như sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung năng lượng đến từ Nga.Sự phụ thuộc quá lớn của các nền kinh tế lớn như Đức và Italy vào khí đốt của Nga đã khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Các nhà kinh tế lo ngại rằng tình hình hiện nay có thể dẫn đến một cuộc suy thoái sâu và kéo dài cho các nền kinh tế thuộc khu vực sở dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Bên cạnh đó, cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất trong thời gian qua, cụ thể FED đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hồi tháng 6 và Bloomberg cũng ghi nhận đồng USD tiếp tục mạnh lên khi chỉ số Dollar Index tăng 1,1% vào ngày 11.07 vừa qua. Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định tương tự.
Diễn biến thời sự hiện nay cũng đang trực tiếp ảnh hưởng tới đồng euro khi Nga hiện đã dừng bơm khí đốt thông qua Nord Stream 1, đường ống dẫn khí lớn nhất từ Nga sang Đức, để bảo trì kỹ thuật thường niên. Tạm thời quá trình này sẽ diễn ra tới 21/07 nhưng nhiều chính phủ quan ngại quá trình này sẽ kéo dài do ảnh hưởng từ chính sự giữa Nga và Ukraine.
Một số tác động mà việc tỷ giá đồng euro xuống thấp có thể gây ra
Đối với người tiêu dùng, hãy chuẩn bị tâm lý là mức giá tiêu thụ nội địa có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi chủ yếu hàng nhập khẩu và nguyên liệu thô nhập vào châu Âu được thanh toán bằng USD, và tỷ giá hiện tại sẽ khiến châu Âu sẽ cần nhiều euro hơn để trả cho cùng một lượng hàng hóa niêm yết bằng USD.
Hoạt động du lịch cũng sẽ có ảnh hưởng mạnh khi làn sóng du lịch từ Châu Âu sang mỹ có thể giảm khi chi phí chuyến đi tăng cao do tỷ giá hối đoái thay đổi, nhưng ở chiều ngược lại, du khách từ Mỹ, Qatar hay Jordan sang châu Âu sẽ hưởng lợi, do đồng tiền của họ đổi được nhiều euro hơn trước đây.
Tuy nhiên một đồng tiền yếu đi không phải lúc nào cũng chỉ đem đến bất lợi, đặc biệt là các hãng xuất khẩu sẽ hưởng mức lợi khá lớn vì nó thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho chúng rẻ hơn tính theo đồng USD. Tuy nhiên với tình hình căng thẳng chính trị hiện nay ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của Đức và Áo tại ING phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức: : “Trong tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay, tôi nghĩ rằng lợi ích từ một đồng tiền yếu sẽ ít hơn những bất lợi mà nó đem đến”.
Kết luận
Tổng quan lại, đây có thể coi là một “vết xước” trong niềm tự hào của người châu Âu, vốn coi đồng tiền chung là một dự án chính trị quan trọng và là đối thủ chính của đồng USD đang thống trị thị trường toàn cầu. Đồng euro vẫn sẽ tiếp tục với nhiều thách thức và các nhà kinh tế dự đoán tình hình sẽ không có nhiều thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới. Riêng với nước Đức, ông Stephen Innes, đối tác của hãng quản lý tài sản SPI Asset Management đưa ra phân tích: “Nếu vậy, Đức nhiều khả năng buộc phải thực hiện giai đoạn 3 của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt trong tháng 8”,đồng thời cho biết điều này sẽ khiến GDP của Đức giảm vài phần trăm.